Kỹ thuật trồng cây sa nhân tím
Giới thiệu kỹ thuật trồng cây sa nhân tím: đặc điểm hình thái, thời vụ trồng, phương thức trồng và mật độ trồng, làm đất, bón lót và trồng cây, chăm sóc sau trồng, thu hoạch và sơ chế
Sa nhân tím tên khoa học là (A. Longiligulare T.L.Wu), thuộc họ gừng (Zingiberaceae); Bộ phận sử dụng là quả, là loại dược liệu quý có vị cay ngọt, tính ôn, vào các kinh tỳ, thận và vị, có tác dụng hành khí, điều trung, hòa vị, làm cho tiêu hóa dễ dàng. Để bà con có thể tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc như sau:
1. Đặc điểm hình thái
Sa nhân là loài cây thân thảo, là loài cây chịu bóng, sống lâu năm dưới tán rừng. Thân cây làm bằng lá. Lá hình mác, không có cuống, không lông.. Rễ chùm phân bố lớp đất mặt. Hoa lưỡng tính, tỷ lệ kết quả < 30%. Sa nhân mọc thành khóm nhiều cây, cây nọ cách cây kia 10 cm. Sau khi trồng 2 – 3 năm, mỗi nhánh có từ 30 – 50 cây và bắt đầu có quả.
2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
2.1. Thời vụ trồng
Trồng vụ xuân hoặc vụ thu, chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ. Vụ xuân vào tháng 2 – 3. Vụ thu vào tháng 7- 8.
2.2. Phương thức và mật độ trồng
– Trồng Sa nhân dưới tán rừng trồng
+ Trồng Sa nhân dưới tán rừng là phương thức trồng xen với cây trồng chính như Keo, Xoan…) tận dụng được độ che tán của cây trồng chính để cây sa nhân phát triển.
+ Xử lý thực bì: Tiến hành phát dọn thảm tươi cây bụi, dây leo. Tiếp theo nếu độ che tán cao trên 0,7 phải tiến hành tỉa tán để hạ độ che tán xuống dưới 0,5 -0,6.
+ Mật độ trồng: Tùy mật độ cây trồng chính mà mật độ trồng sa nhân khác nhau. Có thể 2.500 cây/ha. Cự ly đào hố trồng Sa nhân là 2m x 2m/1 cây giống.
+ Chăm sóc sau trồng: Ở phương thức này, ta phải chú y duy trì độ che tán ở mức dưới 0,6 .
– Trồng sa nhân dưới tán rừng tự nhiên:
+ Xử lý thực bì: Tiến hành chặt bỏ những cây che tán không cần thiết (cây không có giá trị và không phải là cây bảo tồn), phát dọn thảm tươi cây bụi, dây leo. Tiếp theo tiến hành tỉa tán để hạ độ che tan xuống dưới 0,5 -0,6.
+ Tùy điều kiện thực bì mà ta có thể tiến hành trồng theo băng hoặc theo đám. Nhìn chung trong rừng tự nhiên, có nhiều cây có giá trị lấy gỗ và khai thác lâm sản ngoài gỗ cần được lưu giữ nên thường dọn thực bì và trồng sa nhân theo đám. Đào hố theo kiểu so le nanh sấu và cách gốc cây trồng chính khoảng 2 – 4 m (tùy độ che tán và khả năng tỉa tán cây trồng chính).
– Trồng sa nhân dưới tán vườn cây ăn quả hoặc vườn tạp:
+ Xử lý thực bì: Trước khi trồng Sa nhân cũng phải chặt bỏ những cây không có ích (ở vườn tạp), tỉa bớt cành ở các cây ăn quả nếu có thể.
+ Cây ăn quả là cây tỉa tán hàng năm nên có thể trồng sa nhân theo hàng xen giữa các băng cây ăn quả. Trồng cách gốc cây ăn quả 1 m.
– Trồng Sa nhân trên đất nương dãy đã bỏ hoang đất trống:
+ Loại đất này vốn được khai phá từ rừng, sau nhiều năm trồng chè hoặc canh tác cây lương thực, đất bị xói mòn, cây trồng năng suất kém nên bỏ hoang; cỏ dại, cây bụi và cây gỗ nhỏ xâm lấn. Độ dốc dưới 300 .
+ Đối với phương thức trồng thuần loại Sa nhân tím trên đất rừng sau nương rẫy phải tiến hành chặt phát bỏ gần như toàn bộ các cây bụi và gỗ nhỏ. Chỉ chừa lại một số cây gỗ có tán lá thoáng (tránh gió bão làm đổ) với tổng độ tàn che từ 10 – 20% (tối đa 30%). Cuốc bỏ gốc cây, lượm bớt đá, rẫy cỏ phơi khô xong đốt lấy tro.
Chú ý: Trồng Sa nhân nên tiến hành chia lô, mỗi lô 1.000 m2. Cần thiết kế các lối đi lại để vận chuyển cây giống, phân và đi lại chăm sóc thuận tiên
2.3. Làm đất, bón lót và trồng cây
– Làm đất: Cuốc lật đất toàn bộ diện tích, nhằm phơi đất, diệt bớt trứng côn trùng và hạt cỏ.
– Đào hố: Đào hố có kích thước rộng 30 x 30 x 30 cm.
– Bón lót: Bón lót 1,5 – 2kg phân chuồng hoai cho mỗi hố, dùng cuốc trộn đều phân với đất, lấp một lớp đất mỏng lên trên miệng hố.
-Trồng cây: Dùng cuốc bới lại các hố đã được bón lót khi làm đất. Đập đất cho nhỏ, trộn đều với phân lót, dùng dao sắc cắt túi bầu (nếu trồng cây bầu), đặt cây giống theo hướng thẳng đứng, mỗi hố trồng một nhánh hay một cây con, lấp đất 6-10 cm và dẫm chặt gốc. Khi trồng nếu gặp trời nắng thì phải tưới thẫm nước ngay để tránh mất nước và rễ tiếp xúc với đất được tốt.
2.4. Chăm sóc sau trồng
* Tưới nước:
Sa nhân tím là cây ưa ẩm, vì vậy trong trồng trọt cần chú ý khâu tưới nước, nhất là khi cây còn non. Khi trồng Sa nhân tím nếu không có mưa, đất khô phải tưới ngay. Trong vòng 2 – 3 tháng đầu cần thường xuyên tưới nước, để đất luôn ẩm, cây giống giữ được tươi mới có thể nảy mầm được.
Khi cây chồi đã mọc lên khỏi mặt đất cho đến khi đẻ nhánh, tạo thành khóm nhỏ, việc tưới nước giảm dần, thậm chí không cần tưới. Tuy nhiên, nếu thời tiết khô hanh, năng nóng kéo dài thỡ cần phải tưới để cây sinh trưởng tốt.
* Trồng giặm:
Vì một lý do nào đó (do chất lượng cây giống hoặc chăm sóc không đều), sẽ có một số nhánh bị chết, không mọc chồi. Khi phát hiện thấy, cần lấy các cây giống dự trữ, hoặc tách bớt một nhánh từ các khóm khác đem trồng giặm bổ sung vào ngay.
Cây trồng giặm cần chú ý chăm sóc tốt để cho cây nhanh hồi phục và nảy mầm.
* Làm cỏ, bón phân
Làm cỏ: Cách làm là dùng cuốc rẫy bỏ cỏ, nhưng xung quanh gốc Sa nhân thì dùng tay nhổ. Do cây Sa nhân mọc nông, thân rễ nổi trên mặt đất, bởi vậy, trong quá trình chăm sóc không cần vun gốc. Cỏ dại rẫy ra phơi dưới nắng sẽ khô sau thành mùn cho đất
Trong vòng 1,5 – 2 năm đầu tiên, khi cây Sa nhân chưa phủ kín mặt đất, cứ 2 – 3 tháng làm cỏ một lần. Thậm chí trong 6 tháng đầu tiên 1 – 1,5 tháng một lần. Khi cây Sa nhân đẻ nhiều nhánh, lan tỏa từ khóm nọ sang khóm kia, mặt đất được che phủ, cỏ dại sẽ không mọc được nữa.
Bón thúc phân: Mỗi năm bón 1 lần
Năm 1: Bón thúc bằng phân NPK với lượng 1 tấn/ha, bón vào tháng 6-7 (sau khi làm cỏ).
Năm thứ 2 và 3 mỗi ha bón 1 tấn NPK cộng thêm 1 tấn phân vi sinh trộn đều, bón vào tháng 3 (trước khi ra hoa).
Cách bón là rắc đều quanh gốc, khi sa nhân đã mọc dầy thành thảm thì rắc phân toàn bộ diện tích có sa nhân.
* Bảo vệ:
Sa nhân thường bị trâu, bò, dê vào ăn lá. Khi cây Sa nhân có quả thường bị các loài Rùa, Sóc, Nhím và Chuột ăn hoa và quả. Vì vậy, ta phải làm hàng dào bảo vệ toàn bộ diện tích trồng Sa nhân. Vật liệu làm hàng rào cần giữ được lâu bền, như dây thép gai với cột bê tông hay rào bằng tre hoặc cành cây gỗ. Về sau tốt nhất nên tạo hàng rào bằng cây xanh (Mây).
Trong vòng đời của Sa nhân, mỗi nhánh chỉ tồn tại trong thời gian 2 năm tuổi. Như vậy hàng năm sẽ có các thế hệ các nhánh già tự chết đi. Để tạo điều kiện cho cây ra hoa quả tốt, cần cắt bỏ những nhánh vàng úa (sắp tàn lụi) và vơ bỏ bớt lớp thảm mục dưới gốc (nếu thấy quá dày).
3.Thu hoạch, sơ chế
– Sau khi trồng khoảng 3-5 năm, có thể đào để lấy củ vào các tháng mùa đông là tốt nhất. Chú ý khi thu hoạch cần kết hợp lấy dây thân làm hom giống. Dùng cuốc lấp kín đất vào gốc cây vừa khai thác để mọc thành bụi mới.
– Sau khi thu hoạch, rửa sạch đất, tước bỏ phần lõi cứng của củ rồi đem phơi khô để cất giữ lâu dài.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.